Đánh giá card màn hình GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING

GTX 1050 Ti G1 GAMING là một trong những phiên bản custom cao cấp nhất sử dụng GPU GeForce GTX 1050 Ti vừa mới ra mắt của Nvidia. Tuy mang tiếng là hướng đến phân khúc phổ thông giá rẻ, hiệu năng mà dòng card này sở hữu thật sự ấn tượng. Nó đủ khả năng để giúp bạn trải nghiệm tốt tất cả các trò chơi đồ hoạ khủng hiện nay ở độ phân giải FullHD, thậm chí là còn đủ sức max setting@60fps ở một số cái tên đỉnh như Overwatch hay Doom.

Thông tin về card màn hình
GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING​

GTX 1050 Ti G1 GAMING thuộc dòng sản phẩm G1 GAMING cao cấp của hãng GIGABYTE. Do đây là dòng phổ thông nên hãng tạm thời chưa (hoặc không) ra mắt dòng XTREME cho GTX 1050 Ti. Sản phẩm này cũng là một trong những dòng card custom dùng chip GTX 1050 Ti đắt tiền nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
 

giga_1050ti_cc-2.jpg

Thông số kỹ thuật

  • Tên sản phẩm: GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING 4G

  • Chip đồ hoạ: Nvidia GeForce GTX 1050 Ti

  • Tiến trình sản xuất: 16 nm

  • Số nhân CUDA: 768

  • Xung nhịp: 1392 MHz/1506 MHz boost (chế độ OC)

  • Bộ nhớ đồ hoạ: 4 GB GDDR5 128 bit

  • Chuẩn giao tiếp: PCIe 16x 3.0

  • Cổng cấp nguồn phụ: 1 cổng 6 pin

  • Bộ nguồn đề xuất: 300 W

  • Kích thước card: 219 x 118 x 40 mm

  • Bảo hành: 3 năm

  • Giá bán tham khảo tại Việt Nam: 4.950.000 đồng

Ưu điểm của nó so với những dòng giá rẻ hơn là ngay từ ban đầu xung nhịp đã được hãng ép lên rất cao. Kết hợp với bo mạch PCB được thiết kế lại và hệ thống tản nhiệt khủng (so với những sản phẩm rẻ hơn) giúp card hoạt động mát mẻ, ổn định và đồng thời giúp bạn tự tin ép xung hơn (còn lên được cao đến mức nào thì tuỳ hỉ định mệnh).

Thiết kế ấn tượng
Đơn giản nhưng vẫn ngầu​

Khi xét về thiết kế, thật ra những dòng phân khúc phổ thông như GTX 950 hay GTX 750 Ti trước đây có kiểu dáng khá đơn giản và không gây nhiều ấn tượng. Tuy nhiên chuyển qua GeForce 10 series, cụ thể là GTX 1050 Ti và GTX 1050 thì các hãng đã bắt đầu chú tâm hơn về ngoại hình sản phẩm của mình. Đặc biệt là với dòng cao cấp như GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING (mình sẽ gọi tắt là 1050 Ti G1), bạn sẽ thấy có nhiều nâng cấp đáng kể.
 

giga_1050ti_cc-8.jpg
giga_1050ti_cc-10.jpg giga_1050ti_cc-13.jpg giga_1050ti_cc-12.jpg ​


GIGABYTE vẫn sử dụng tông màu đen làm chủ đạo, kết hợp với những chi tiết màu cam cho mặt nạ của 1050 Ti G1. Ngôn ngữ thiết kế với các góc cạnh vẫn mang đến sự cá tính đặc trưng của series G1 GAMING tuy nhiên có phần đơn giản hơn những dòng cao cấp (điều hiển nhiên).
 

giga_1050ti_cc-16.jpg

1050 Ti G1 sử dụng tản nhiệt WindForce 2X đặc trưng của hãng linh kiện Đài Loan, với hiệu năng đã được khẳng định trong giới game thủ. Về cấu tạo, hệ thống tản nhiệt này sử dụng 2 ống đồng rút nhiệt toả ra từ GPU và phân tán nó trong khối tản nhiệt kích thước khá lớn được cấu tạo bằng hàng loạt các lá tản nhiệt bằng nhôm. Sau đó 2 quạt 90 mm được thiết kế với các vân đặc biệt sẽ có nhiệm vụ phân tán nhiệt lượng vào môi trường xung quanh, giúp GPU hoạt động luôn mát mẻ. Dẫu có thể không ngầu bằng WindForce 3X, khối tản nhiệt cũng chẳng xôi thịt như các bạn cao cấp; hệ thống WindForce 2X vẫn rất hiệu quả vì nhiệt lượng của chip GTX 1050 Ti toả ra là không nhiều.
 

giga_1050ti_cc-1.jpg
giga_1050ti_cc-4.jpg giga_1050ti_cc-5.jpg ​


Xu hướng màu mè hoá tiếp tục được 1050 Ti G1 thừa hưởng với logo GIGABYTE tích hợp đèn LED RGB. Bạn có thể thể tuỳ chỉnh màu sắc cũng như cách phát sáng theo ý mình thông qua phần mềm điều khiển của hãng. Sản phẩm này cũng được tích hợp công nghệ 3D Active Fan, tức là nếu nhiệt độ GPU vượt quá 50 độ thì quạt mới quay, giúp giảm tiếng ồn đến mức tối thiểu cũng như tăng tuổi thọ cho card. Đèn “Fan Stop” dùng để báo hiệu cho bạn biết là quạt ngừng quay là một tính năng chứ không phải lỗi.
 

giga_1050ti_cc-11.jpg

Một điểm đáng chú ý là lần này ngay cả ở phân khúc phổ thông thì GIGABYTE vẫn tích hợp ốp lưng (back plate) cho card. Ngoài nhiệm vụ là bảo vệ các linh kiện phía sau bo mạch PCB cũng như tránh card bị cong (thật ra cũng chẳng cần vì tản của dòng này không nặng); nó còn giúp ngoại hình của card nhìn rất sang chảnh. Cơ mà có đi cũng phải có lại, với mức giá bán gần 5 triệu đồng thì đây cũng là điều mà game thủ mong đợi. Tương tự như GTX 1060, 1050 Ti G1 cũng không hỗ trợ chạy SLI. Như vậy nếu trong tương lai bạn có ý định mua thêm một con nữa để chạy song kiếm hợp bích thì nên cẩn trọng. Nhưng về cơ bản thì đây cũng không phải là điều quá ngạc nhiên, nhất là khi rất nhiều game thủ đã khóc thương quá nhiều cho GTX 1060 trước đó rồi.
 

giga_1050ti_cc-6.jpg

​Một bổ sung so với thiết kế tiêu chuẩn của Nvidia là sự xuất hiện của cổng cấp nguồn phụ 6 pin. Định mức TDP của GTX 1050 Ti chỉ vào khoảng 75 W, vì vậy thực chất nó chỉ cần điện cấp từ khe PCIe 16x là đủ. Tuy nhiên việc bổ sung thêm cổng cấp nguồn 6 pin sẽ giúp điện năng cấp cho card nhiều hơn khi cần ép xung. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giảm tải cho khe PCIe 16x tránh trường hợp hỏng khe cắm ở các dòng bo mạch chủ giá rẻ. Mà vì đây là dòng phổ thông, khả năng chiếc card này kết hợp với bo mạch chủ giá rẻ là rất cao.
 

giga_1050ti_cc-14.jpg​Về kết nối, chúng ta có đầy đủ các cổng tiêu chuẩn của GeForce 10 series bao gồm 1 DVI, 1 DisplayPort và 3 HDMI. Nói chung là đủ món ăn chơi cho nhu cầu ăn chơi của một bạn game thủ thông thường.
 

giga_1050ti_cc-3.jpg


Về tổng thể, nhìn chung GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING thừa hưởng khá nhiều đặc điểm thiết kế của những dòng card cao cấp hơn, giúp nó ấn tượng hơn so với sự đơn giản của những dòng card phổ thông trước đây.

Đánh giá hiệu năng
Max setting ở FullHD dần thành đặc điểm của card phổ thông​

Cấu hình thử nghiệm

Trước mình thấy nhiều bạn than phiền rằng mình sử dụng bộ máy nền Broadwell-E hơi bị “quá tay”, vì vậy lần này mình quyết định chuyển qua bộ Skylake cho nó gần gũi với mọi người :D
 

giga_1050ti-3.jpg

Cấu hình chi tiết bao gồm: CPU Intel Core i7-6700, bo mạch chủ GIGABYTE Z170 GAMING 7 EK Limited Edition, RAM 16 GB Gskill DDR4-3200, 120 GB Intel 520 SSD, PSU FSP Raider 650 W, driver và phiên bản game mới nhất vào thời điểm mình viết bài.

Cách thử nghiệm
Đối với các trò có benchmark tích hợp thì mình sẽ dùng luôn, còn một số game không có thì mình sẽ chơi một đoạn (chi tiết đoạn nào thì mình sẽ nói bên dưới) rồi xem log để tính fps trung bình. Thiết lập đồ hoạ được đặt ở mức cao nhất, không bật khử răng cưa (nếu như không phải là mặc định). Một số trường hợp đặc biệt thì mình sẽ đưa thêm kết quả ở mức thiết lập thấp hơn.

Lưu ý, điểm số sử dụng công cụ benchmark có sẵn (Rise of The Tomb Raider, Rainbox 6: Siege) và 3DMark thì bạn có thể dùng nó để so sánh với những dòng card khác mà mình từng đánh giá trước đây. Còn những trò chơi mà mình tính trung bình bằng log fps thì chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn đánh giá được tầm khả năng của card. Những điểm số này khi so sánh chỉ là tương đối.

Bạn có thể tham khảo trạng thái của card ở góc trên bên trái, được lấy bằng ứng dụng After Burner.

Kết quả
3Dmark Time Spy​

 

giga_1050ti-1.jpg
GPU đạt 2322 điểm

3D Mark Firestrike Ultra

giga_1050ti-2.jpg
GPU đạt 1814 điểm​

Rise of The Tomb Raider

ROTTR_2016_11_01_05_57_24_908.jpgROTTR_2016_11_01_05_59_56_947.jpg

Thiết lập High (trái) và Very High (phải) ở DirectX 12​


Điểm trung bình lấy từ công cụ benchmark tích hợp. Game khuyến cáo là chỉ nên chọn thiết lập High cho card có bộ nhớ 4 GB nhưng kết quả của Very High cũng không đến nỗi tồi.
Rainbow Six: Siege​

 

RainbowSixGame_2016_11_01_06_14_49_508.jpg
RainbowSixGame_2016_11_01_06_12_46_817.jpg 
Trung bình 81 fps​


Điểm trung bình được lấy từ công cụ bechmark tích hợp.

The Witcher 3: Wild Hunt

witcher3_2016_11_01_05_51_27_736.jpgwitcher3_2016_11_01_05_51_48_668.jpg

 

witcher3_2016_11_01_05_50_29_880.jpg 
Trung bình 61 fps (Low) và 24 fps (Ultra)​

Do game không có công cụ benchmark sẵn chọn khúc đánh mấy con ghoul ngay sau đoạn cắt cảnh mở đầu game. Witcher 3: Wild Hunt trong những game nặng nhất hiện nay mà ngay cả những dòng cao cấp như GTX 1080 còn điêu đứng nên không có gì bất ngờ khi GTX 1050 Ti cũng chịu không thấu khi max setting. Bởi vậy mình bổ sung thêm kết quả ở thiết lập Low để các bạn tham khảo.
Doom (2016)​

 

20161101060603_2.jpg
20161101060603_1.jpg 
Trung bình 62 fps​

Trò này mình chạy speed run nhiệm vụ 1 (The UAC) với thiết lập hiệu ứng Ultra, dựng hình bằng Vulkan.
Battlefield 1​

 

bf1_2016_11_01_05_24_10_475.jpg
bf1_2016_11_01_05_24_51_363.jpg 
Trung bình 52 fps​

Tốc độ khung hình trung bình của Battlefield 1 mình lấy từ màn đầu tiên Storm of Steel.
Skyrim Special Edition (2016)​

 

SkyrimSE_2016_11_01_05_37_50_425.jpg
Trung bình 55 fps

Tốc độ khung hình tính từ lúc mở đầu game cho đến khi nhân vật chính được thả tự do. Bethesda mặc định V-Sync nên tốc độ khung hình tối đa bị giới hạn ở 60 fps, vì vậy cũng ảnh hưởng đôi chút đến việc tính tốc độ khung hình trung bình. Thật ra bạn vẫn có thể vào file hệ thống chỉnh sửa để tắt V-Sync nhưng nó khá phiền, cũng như chạy cao hơn 60 fps thì Skyrim rất dễ bị dính lỗi vật lý như Fallout 4 trước đây.
 

Overwatch​

 

Overwatch_2016_10_27_14_40_00_058.jpg
Overwatch_2016_10_27_14_40_27_916.jpg 
Trung bình 68 fps, thiết lập hiệu ứng Epic​

Tốc độ khung hình trung bình mình tính bằng cách lập một màn chơi custom và loạn đả với 9 con bot Anna :">
Nhiệt độ hoạt động, độ ồn, điện năng tiêu thụ

giga_1050ti-1-2.jpgbf1_2016_11_01_05_24_10_475.jpg

Hệ thống thử nghiệm của mình đặt trong phòng máy lạvề cơ bản là  ngồi ở khoảng cách 1m thì gần như bạn sẽ chẳng nghe thấy gì cả (mình để mở nắp thùng).

Card chỉ sử dụng khoảng 89% định mức TDP, vì vậy bạn hoàn toàn có thể ép xung lên cao hơn nữa. Điểm thú vị là như rất nhiều card màn hình mà mình test thời gian gần đây, xung nhịp thực tế của GTX 1050 Ti G1 GAMING khi chơi dao động vào khoảng 1759 MHz, tức là cao hơn đến 253 MHz so với công bố của nhà sản xuất. Có vẻ như mặc định của những dòng card đời mới là nếu như nhiệt độ cũng như điện năng ổn định thì nó sẽ tự động ép xung lên.
Bảng tổng hợp kết quả và so sánh

​Do mình bổ sung thêm một số tựa game mới ra cũng như chuyển qua cách tính tốc độ trung bình mới nên tạm thời chỉ có kết quả của 3DMark và Rise of The Tomb Raider là so được với những bài đánh giá trước. Trong thời gian tới mình sẽ cập nhật lại kết quả để chúng ta so sánh được nhiều trò hơn :D
 

Screen Shot 2016-11-02 at 11.43.13 AM.png
Lưu ý: để cho dễ xem thì mình nhân 100 điểm fps của Rise of the Tomb Raider, chẳng hạn như 8220 tương đương với 82,20 fps​

Các dòng card trong bảng so sánh: GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING, GIGABYTE GTX 1060 G1 GAMING, GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING và MSI RX 480 GAMING X.
 

Kết luận​


Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên 4K, thời điểm mà FullHD dần trở thành độ phân giải dành cho phân khúc phổ thông. GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING là minh chứng cho điều này, khi nó chơi mượt mà gần như tất cả các trò chơi bom tấn hiện nay (trừ Witcher 3 vốn nổi tiếng là sát phần cứng) ở mức thiết lập đồ hoạ cao nhất. Dung lượng bộ nhớ 4 GB nhìn chung cũng tạm đủ trong thời điểm hiện tại.

Tóm tắt ưu nhược điểm của card màn hình GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING

Ưu điểm

  • Thiết kế đẹp

  • Có ốp lưng

  • Mát, quạt chạy êm

  • Max setting được phần lớn các trò ở FullHD

  • Khả năng ép xung tốt

Nhược điểm

  • Đắt hơn so với những dòng card GTX 1050 Ti khác


 

giga_1050ti_cc-7.jpg


Vậy GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING dành cho ai?

Câu trả lời là những bạn muốn sở hữu dòng card GTX 1050 Ti mạnh mẽ về hiệu năng lẫn ngầu trong thiết kế. So với phần lớn những dòng card custom khác, dòng G1 GAMING của GIGABYTE đắt tiền hơn kha khá nhưng bù lại hiệu năng nó cũng cao hơn (nhờ xung nhịp mặc định cao hơn). Việc kết hợp bo mạch PCB được thiết kế lại với chất lượng cao và hệ thống tản nhiệt tốt cho phép bạn hoàn toàn có thể ép xung cao hơn mức công bố của nhà sản xuất. Thậm chí là ngay cả khi để ở chế độ tự động, card luôn chạy ở xung nhịp 1759 MHz, hơn đến 253 MHz so với công bố của GIGABYTE và 376 MHz so với mặc định của Nvidia. Dù mức giá bạn phải trả lên đến gần 5 triệu đồng, nhưng về cơ bản cũng khá hợp lý.

Nguồn Tinhte.vn

Tổng đài góp ý khiếu nại

(08h00 - 20h00 tất cả các ngày trong tuần)

Gọi ngay Gọi ngay Chat với chúng tôi qua Zalo Chat Zalo Facebook của chúng tôi Facebook Chat với chúng tôi qua Messenger Messenger